cách dàn lam máu, cách làm lam máu đẹp, cách nhuộm giemsa, cách nhuộm tiêu bản, lam máu đẹp, xét nghiệm y học, tuyenlab.com
Việc tạo một tiêu bản máu ngoại vi là yêu cầu bắt buộc đối với các kỹ thuật viên xét nghiệm. Có thể trong trường các bạn đã được học và biết cách làm nhưng để làm được một tiêu bản máu dàn ngoại đạt tiêu chuẩn và đẹp thì nhiều bạn còn thấy rất khó. Mình thấy có nhiều bạn nhuộm xong tiêu bản bị bong hết, có tiêu bản nhuộm xong thì rất khó quan sát... Vì vậy với kinh nghiệm trong hướng dẫn thực hành chuyên ngành huyết học của mình hôm nay mình sẽ nêu 7 điểm lưu ý để các bạn có thể tạo được một tiêu bản đạt tiêu chuẩn và thẩm mỹ đẹp. Rất mong các bạn chú ý để thực hiện đúng.
1. Máu để dàn lam:
Máu để dàn lam có thể là máu mao mạch hoặc tĩnh mạch đã chống đông bằng EDTA. Nhưng theo mình tốt nhất sử dụng máu mao mạch hoặc máu tĩnh mạch chưa chống đông bởi các lý do sau:
- Máu tĩnh mạch đã chống đông bằng EDTA tiện lợi nhưng có hạn chế đó là EDTA mặc dù không làm thay đổi hình dạng các tế bào máu nhưng EDTA sẽ làm nhân của bạch cầu bắt màu rất xấu dẫn đến khó phân biệt khi quan sát.
- Trên lam máu dàn ngoài quan sát các tế bào máu còn xem chất lượng của tiểu cầu qua việc đánh giá độ tập chung tiểu cầu, nếu bạn sử dụng máu chống đông thì các tiểu cầu sẽ đứng riêng rẽ và bạn không thể đánh giá được.
2. Lam kính và lam kéo:
Muốn có tiêu bản đẹp bạn phải dùng lam kính mới, bởi nếu các bạn dùng lam kính cũ (tái sử dụng) thì lam kính có thể dính dầu mỡ và gây loang sau khi kéo. Lam kéo phải có đầu thật mịn. Bạn nên dùng lam kéo chuyên dụng hoặc dùng lam kính mới để làm lam kéo nhưng phải chọn lam có đầu mịn hoặc bạn phải mài thật nhẵn.
3. Cách dàn tiêu bản:
Đây là yếu tố ảnh hưởng chính đến chất lượng lam máu. Bạn chỉ lấy một lượng máu rất ít khoảng 1/3 giọt máu để dàn chứ không nên lấy cả giọt vì như vậy lam sẽ rất dầy và không thể quan sát. Bạn nhỏ máu về một đầu của lam cách mép khoảng 1 cm sau đó dùng lam kéo đẩy giọt máu về phía trước. Tốc độ đẩy vừa phải, nếu bạn đẩu nhanh quá lam máu sẽ ngắn và dầy còn nếu bạn đẩy chậm quá lam sẽ dài và tạo thành các lớp sóng. Bạn cầm lam kéo thật thoải mái, đẩy nhẹ về phía trước, khi đến gần cuối lam bạn hơi đưa lam kéo lên (như kiểu máy bay cất cánh) thì phần đuôi lam sẽ mỏng dần đều và tạo hình lưỡi bò (lưỡi mèo) trông rất đẹp.
4. Lam máu phải khô trước khi nhuộm.
Lam máu phải thật khô thì khi nhuộm mới không bị bong và tế bào máu đẹp. Sau khi kéo lam xong bạn phải để thật khô mới cố định, cố định xong bạn phải để thật khô mới nhuộm. Nên để khô tự nhiên, nếu thời tiết quá ẩm bạn có thể hơ nhanh qua ngọn lửa đèn cồn (không hơ trực tiếp làm teo tế bào) hoặc để trong tủ ấm 37 độ đế khi lam khô hoàn toàn.
5. Cố định lam
Phải dùng cồn 90 độ hoặc cao hơn để cố định. Cồn có tác dụng đẩy nước bên trong tế bào ra ngoài mà không làm biến dạng tế bào. Nếu bạn dùng cồn thấp độ hơn thì sẽ không đẩy hoàn toàn nước trong tế bào ra nên khi nhuộm tế bào sẽ bị biến dạng. Tốt nhất bạn nên cho cồn chảy đều từ đầu đến đuôi lam sau đó để khô trở lại.
6. Hóa chất nhuộm:
- Ở đây bạn sẽ nhuộm bằng giemsa. Có 2 phương pháp nhuộm là nhuộm một thì và nhuộm 2 thì. Nhuộm một thì là nhuộm với giemsa 10% trong 15 phút. Nhuộm 2 thì là nhuộm 1 lần với giemsa gốc trong 1 phút sau đó rửa nước và nhuộm lại bằng giemsa 10% trong 10 phút. Giemsa gốc (giemsa mẹ) sẽ giúp nhân tế bào bắt màu tốt nhất còn giemsa 10% (giemsa con) sẽ giúp bào tương bắt màu tốt nhất. Theo mình bạn nên nhuộm 2 thì dù hơi tốn kém nhưng lam máu sẽ bắt màu rất rõ ràng. Lưu ý là giemsa gốc chỉ nhuộm trong 1 phút nếu bạn nhuộm quá lâu sẽ làm cháy tế bào. Một lưu ý nữa đó là giemsa bạn mua hoặc pha xong để càng lâu nhuộm càng đẹp. Ít nhất sau khi pha xong giemsa gốc bạn nên để trong bóng tối khoảng 6 tháng mới dùng để nhuộm thì tốt hơn.
- Giemsa 10% sẽ được pha với nước. Tốt nhất bạn sử dụng nước đệm (pH khoảng 7,4), nếu không có bạn có thể dùng nước cất hoặc nước máy. Theo kinh nghiệm của mình thì nước máy tốt hơn vì pH trung tính hơn nước cất. Chỉ có điều nhuộm bằng nước máy bạn không để tiêu bản được lâu do dễ nhiễm nấm mốc.
7. Cách rửa tiêu bản
Tiêu bản sau khi nhuộm hóa chất được rửa sạch với nước. Bên nên rửa dưới vòi nước chảy nhẹ để tránh làm bong tiêu bản. Phải rủa bằng phương pháp rửa đuổi tức là dùng nước để đẩy thuốc nhuộm ra chứ không được đổ hóa chất trên lam đi trước khi xả nước vì như vậy sẽ bị cặn bám lại trên biêu bản gây nhầm lẫn khi quan sát. Sau khi rửa xong bạn để thật khô rồi quan sát ở 1/3 đuôi lam chỗ tế bào đứng riêng rẽ.
Trên đây là 7 lưu ý của mình để các bạn tạo được một tiêu bản máu dàn đẹp. Tiêu chuẩn mà các bạn cần đạt được đó là:
- Tiêu bản không bị bong.
- Phần máu dàn chiếm khoảng 2/3 tiêu bản.
- Máu mỏng dần đều về phí cuối tiêu bản.
- Đuôi tiêu bản hình lưỡi bò (lưỡi mèo) hoặc răng cưa.
- Các tế bào đứng riêng rẽ, bắt màu rõ ràng.
- Không có cặn hóa chất trên tiêu bản.
Hy vọng qua bài viết các bạn sẽ rút ra được những kinh nghiệm cho bản thân để làm được tiêu bản đẹp. Tuy nhiên các cụ vẫn nói "trăm hay không bằng tay quen" vì thế các bạn hãy tự làm thật nhiều để rút ra được kinh nghiệm cho chính bạn như thế bạn mới nhớ lâu và làm tốt được.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết của mình. Mọi khó khăn vướng mắc hãy trao đổi trực tiếp tại đây. Vui lòng ghi rõ nguồn tuyenlab.com khi bạn đăng tải lại nội dung bài viết này.
COMMENTS